Suốt nhiều
thế kỷ, nước Đức là cái nôi của nền âm nhạc, văn chương,
sân khấu và mỹ thuật của Châu Âu. Từ danh tài Beethoven
và Bach cho đến Goethe, Heine và Schiller. Nước Đức đã là
nơi phát xuất ra những nhạc sĩ lừng danh, những văn sĩ và
thi sĩ ưu tú nhất trong lịch sử thế giới văn minh. Nước
Đức có một truyền thống văn hóa rất mạnh mẽ ở các địa phương
và số người dự khán các buổi trình diễn âm nhạc và kịch
nghệ lúc nào cũng đông đảo.
Âm Nhạc
Người Đức rất đam mê âm nhạc, thơ ca và
kịch nghệ. Mỗi thành phố dù nhỏ đều có một nhà hát diễn
kịch hay nhà hát Opera, có một đoàn kịch của riêng mình,
một dàn nhạc hay những nhóm nhạc nhỏ, và có thể cả một dàn
hợp xướng nữa. Âm nhạc và ca hát đóng một vai trò quan trọng
trong các hoạt động xã hội và các lễ hội công cộng.
Nước Đức có 195 dàn nhạc, trong đó có những
dàn nhạc nổi tiếng như: Dàn nhạc hòa tấu Philharmonie Berlin,
dàn nhạc hòa tấu München, dàn nhạc giao hưởng Bamberg. Có
95 nhà hát Opera và phòng hòa nhạc do chính phủ tài trợ,
trong đó nhà hát Hamburg (thành lập năm 1678) là nhà hát
cổ xưa nhất, cùng với 1.000 nhà hát kịch và 1.300 Viện Bảo
Tàng.
Những dĩa nhạc ghi các tác phẩm cổ điển
được trình diễn dưới sự chỉ huy của các nhạc trưởng như
Herbert von Karajan cho hãng Đĩa của Đức (Deutsche Grammophon)
đã bán được hàng triệu bản trên khắp thế giới. Các ban nhạc
của đài phát thanh Radio đến với những người không có điều
kiện dự khán những buổi trình diễn tại nhà hát. Những lễ
hội âm nhạc và kịch nghệ được thường xuyên tổ chức để tôn
vinh các nhà soạn nhạc, nhà viết kịch và các diễn viên nổi
tiếng tại địa phương.
Giáo dục âm nhạc được hỗ trợ mạnh mẽ. Những
nhạc viện, trường nhạc, đoàn nhạc và các hội đồng âm nhạc
khuyến khích các tầng lớp thanh niên phát huy tài năng trình
diễn, cũng như khả năng thưởng thức các thể loại âm nhạc.
Các nhóm hợp xướng hay nhóm tứ tấu hoạt động tích cực khắp
trong cả nước.

Các Nhạc Sĩ Đại Tài
Cũng giống như ngôn ngữ, âm nhạc không
có biên giới. Các nhạc sĩ xuất thân ở Áo như Wolfgang Amadeus
Mozart, Christoph Gluck và Franz Haydn vẫn thường được coi
là một bộ phận của văn hóa âm nhạc Đức. Dưới đây là một
vài nhà soạn nhạc lớn đã sống và làm việc tại nước Đức:
Johann Sebastian
Bach (1685-1750): sinh tại Eisenach, Thüringen, làm
nghề chỉ huy dàn hợp xướng Leipzig gần như trọn đời. Ông
sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, lấy
vợ hai lần và có tới 20 người con. Ông soạn các tác phẩm
cho đàn Organ, đàn dương cầm và Fuga là các bản nhạc giao
hưởng. Trong các các tác phẩm của ông có các bản Concerto
Brandenburg và nhạc nhà thờ như bản nhạc Thương Khó Passion
theo Thánh Sử Mathäus theo phong cách Barock.
George Frederick
Handel (1685-1759): đã đi nhiều nơi ở Ý và Anh, ông
soạn một số bản Opera và vở nhạc kịch nổi tiếng The Messias
(Đấng Cứu Thế), cũng như các bản hòa âm cho dàn nhạc như
Bản Nhạc Nước (The Water Music) và Bản Nhạc Pháo Bông (Music
for the Royal Fireworks).
Ludwig van Beethoven
(1770-1827): sinh tại Bonn, học nhạc với Haydn và Mozart
tại Vienne. Ông đem cách thể hiện chủ đề và tình cảm của
phong trào lãng mạn vào các hình thức âm nhạc truyền thống.
Các tác phẩm phong phú của ông gồm có 32 bản Sonate, 5 bản
Concerto cho đàn Piano, 9 bản giao hưởng, 17 bản tứ tấu
đàn dây, một vở Opera (Fidelio) và vô số khúc dạo đầu. Ông
bị điếc ở tuổi 30 vì thế mà không nghe được nhiều tác phẩm
của mình khi chúng được trình diễn trước công chúng.
Robert Alexander
Schumann (1810-1856): sáng tác nhiều tác phẩm cho
Piano và nhạc thính phòng, cùng 4 bản giao hưởng.
Richard Wagner
(1813-1883): làm mạnh thêm nội dung tình cảm của Beethoven
trong nhiều tác phẩm Opera của ông.
Johannes Brahms:
phát triển phong cách lãng mạn cổ điển trong 4 bản giao
hưởng, 2 bản Concerto cho Piano, và các tác phẩm khác của
ông.
Richard Strauss
(1864-1949): người kế nghiệp Wagner, đã viết nhiều vở Opera
như Der Rosenkavalier và nhiều tác phẩm cho từng nhạc cụ.
Paul Hindemith
(1895-1963): sáng tác nhiều loại nhạc cho các nhạc cụ thời
hậu lãng mạn.
Carl Orff
(1895-1982): viết các vở Opera và nhạc kịch, trong đó có
bản Carmina Burana, dựa vào một sưu tập các bài ca ở Bavaria
từ thế kỷ XIII.
Hai nhà soạn nhạc Đức có ảnh hưởng lớn
hiện vẫn còn sáng tác là Hans Werner
Henze (sinh năm 1926) và Karl-Heinz
Stockhausen (sinh năm 1928), cả hai đều là những
nhạc sĩ hàng đầu trong lĩnh vực của mình.

Kiến Trúc
Kiến trúc Đức đa dạng một cách rất đẹp
đẽ, từ phong cách Gotik của đại thánh đường Köln cho đến
những thiết kế Barock hoàng tráng của lâu đài Sans Souci
Palace ở Potsdam và những đường nét tân cổ điển của Schaupielhaus
tại Berlin. Buồn thay, nhiều công trình kiến trúc ở Đông
Đức cũ đã bị phá hủy, không phải vì bom đạn trong Thế chiến
thứ II, mà là do nhiều năm tháng bị bỏ quên đã khiến cho
những tòa nhà trở nên hư hỏng và sụp đổ. Hy vọng rằng việc
tái thống nhất đất nước sẽ cứu vãn được những kho tàng còn
sót lại khỏi số phận tương tự.
Phong cách Bauhaus của Walter Gropius là
một phong cách rất thành công và có ảnh hưởng lớn trong
thập niên 20. Nó tập trung vào chức năng, vào sự thống nhất
giữa kỹ thuật và nghệ thuật.
Ngày nay ở nước Đức có một số công trình
kiến trúc hiện đại rất nổi tiếng, trong đó có tòa cao ốc
tráng lệ của hãng BMW do Karl Schwanzer thiết kế; tháp truyền
hình Stuttgart do Frits Leonhardt xây dựng; tòa nhà Philharmonie
mới ở Berlin của Hans Scharoun; phòng trưng bày của Thế
kỷ XX do Ludwig Mies van der Rohe thiết kế. |